Năm 2016, vào đúng dịp Songkran - Tết té nước mừng năm mới cổ truyền ở Thái Lan, nước này ban hành quy định buộc tài xế say dọn nhà xác, theo AFP . Đây là một trong hai khoảng thời gian giao thông xứ chùa vàng nguy hiểm nhất, dịp còn lại là Tết dương lịch.
Những hình thức như phạt tiền, trừ điểm bằng lái không đủ sức răn đe là một nguyên nhân dẫn tới quy định này. Một quan chức cấp cao ở Cục quản chế của Thái Lan nói rằng "sự ghê rợn của nhà xác là hình ảnh chính xác những gì tài xế say xỉn phải chịu đựng khi cố ý lái xe trên đường".
Say xỉn có thể khiến tài xế gây tai nạn. |
Điều luật "lạnh gáy" này không chỉ được xem xét tại Thái Lan mà còn ở nơi khác tại châu Á là Đài Loan. Tháng 3/2017, Taipei Times đưa tin, một nhóm tài xế say đã phải quét dọn nhà xác, theo một chương trình dịch vụ cộng đồng bắt buộc được đưa ra bởi Văn phòng công tố viên Đài Trung. Nếu không thực hiện hình phạt, họ sẽ phải ngồi tù.
Cảnh sát giao thông ở Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2016 từng áp dụng hình phạt này cho tài xế say. Khi bị CSGT xử phạt, tài xế bị đưa thẳng tới nhà xác bệnh viện địa phương thực hiện công việc. Không chỉ châu Á, tại châu Phi, Kenya cũng làm mạnh tay, quy định được đưa ra bởi Cơ quan an toàn giao thông quốc gia.
Xung quanh hình thức xử lý này, cộng đồng ở các nước ngoài việc ủng hộ còn dấy lên những lo ngại như tài xế say có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi nhìn thấy xác chết hay ảnh hưởng tới sự yên tĩnh của người đã khuất, điều mà thân nhân không mong muốn. Để xử lý, các cơ quan chức năng lên nhiều phương án như chỉ quét dọn ở các khu vực chung như phòng chờ, không trực tiếp tiếp xúc xác chết.
Trên thế giới, ngoài quét nhà xác còn có nhiều hình phạt ám ảnh khác dành cho người say xỉn lái xe như bêu tên trên trang nhất tuần báo, chạy marathon 32 km, ngồi tù 6 năm.
Phạm Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét